Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

NÉT VĂN HÓA CAFE NGƯỜI VIỆT

Hương vị cà phê đậm đà đã trở nên quen thuộc trong nhịp sống mỗi ngày của người dân Việt. Sự tinh tế của cà phê Việt thể hiện ở nét văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê khác lạ của người Việt.

Người Việt có phong cách thưởng thức cà phê rất riêng, họ không coi cà phê là thức uống nhanh, có tác dụng chống buồn ngủ như người Mỹ mà thưởng thức cà phê như một thứ văn hóa: nhâm nhi và suy tưởng. Ngồi bên tách cà phê, vừa nhấp từng ngụm nhỏ vừa đọc báo, nghe nhạc, trò chuyện cùng bạn bè, cùng đối tác làm ăn, hay ngồi làm việc, và còn để suy ngẫm về cuộc sống, về con người,…

Gu thưởng thức của người Việt là: đậm, đắng, thơm mùi hạnh nhân, mùi đất. Tùy mỗi một loại cà phê mà mang lại cho người thưởng thức cái cảm nhận về vị chua, độ dầu, và mùi hương của các loại hoa trái khác nhau. Một ly cà phê ngon là ly cà phê đậm đà hương vị tự nhiên, có độ chua thanh, tươi, sạch lưỡi; có độ dầu đậm và đặc biệt hơn là tỏa ra mùi hạnh nhân, hoa trái, bơ dầu và mùi đất. 



Cà phê phin được coi là thứ thức uống được ưa thích nhất của người Việt. Cái cảm giác ngồi chờ đợi từng giọt từng giọt cà phê rơi thật là thú vị. Càng thú vị hơn nữa khi được nhâm nhi thành quả của nó, có thể là một tách cà phê đen nóng, có thể pha thêm chút sữa, uống nóng hay uống đá tùy theo sở thích của mỗi người.

Người ta có thể đoán biết được tính cách con người, văn hóa của mỗi vùng miền qua cách pha cà phê và sở thích uống của mỗi người. Chẳng hạn, người miền Nam thường bọc cà phê trong tấm vải và nấu trong nồi, họ thích uống cà phê đá hơn là uống nóng. Còn người miền Bắc, chủ yếu uống cà phê pha phin, đen hoặc nâu nhưng đều rất đậm đặc.

Nguồn: Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét