Người Việt Nam tiếp thu thức uống cà phê
chỉ mới khoảng hơn trăm năm nay, nhưng cà phê đã trở thành thức uống
không thể thiếu được với nhiều triệu người Việt Nam (và với khoảng 2 tỉ
người trên trái đất).
Cùng với đà phát triển của thế giới, cà phê sẽ càng ngày càng bành
trướng ảnh hưởng vì khả năng khai mở hệ thần kinh cho những hoạt động
khám phá, sáng tạo, kết nối. Người Việt Nam tuy chưa dương danh trên thế
giới về những công trình khoa học, tư tưởng, kỳ vĩ, nhưng chúng ta có
một tố chất hết sức quý giá: đó là triết lý cởi mở, sống chung hài hòa
và thân thiện với tất cả mọi người, mọi dân tộc.
Ngay khi thành lập quốc gia, nước Văn Lang cũng là sự kết hợp sống
chung của 15 bộ tộc, chứ không phải một tập thể người nào độc tôn truyền
thống hoặc nòi giống đặc thù của mình. Tư tưởng ái quốc cực đoan, sùng
bái bộ lạc, hoặc kỳ thị người khác là xa lạ với người Việt. Tất cả những
điều này chúng ta có thể nhìn thấy qua cách tiếp thu và thích ứng của
người Việt trong cà phê.
Ngay từ đầu khi tiếp xúc với cà phê qua người Pháp, vốn là hình ảnh
của phương Tây, người Việt vẫn không vì thế mà bài trừ, kỳ thị. Ở nơi
trực tiếp chịu ảnh hưởng của chế độ thực dân Pháp là đất Nam kỳ lục
tỉnh, người dân Việt Nam từ những tầng lớp ưu tú cho đến bình dân đều
bình thản tiếp thu thứ thức uống mới mẻ mà xa lạ này.
Pha cà phê có thể dùng với liều lượng lớn cho một số đông người. Cái
lọc (còn gọi là lược) cà phê được may bằng thứ vải dệt thật dày để các
vụn của bã cà phê không bị thoát ra làm lợn cợn đầu lưỡi. Cái lọc này
được nhúng trong nước sôi trong vài ba phút để tinh chất của cà phê có
thể tiết ra, nhưng không để quá lâu đến độ chua hoặc chát. Những cái lọc
này kích cỡ bằng với những chiếc bít tất (vớ) đi vào chân nên phương
thức này được gọi là cà phê bít tất.
Đối với những tầng lớp cao hơn thì
có cà phê lọc (café filter) bằng một khí cụ pha chế cá nhân. Mỗi cốc cà
phê đều có một cái bộ phận lọc gồm một bầu chứa (còn gọi là cái nồi)
phía dưới có đục sẵn nhiều lỗ nhỏ để nước thoát ra cốc sau khi đã qua
lớp cà phê rang và nghiền thành hạt nhỏ. Tấm lọc vừa khít với bầu vừa
khít với cốc. Cà phê nghiền sẵn được cho vào đáy bầu và nén lại bằng tấm
lọc. Nước sôi truyền qua tấm lọc làm nở cà phê đã nghiền sẵn và nước cà
phê chiết xuất chảy qua lớp đáy của cái bầu, từng giọt xuống cốc.
Cà phê lọc như thế thơm ngát, sánh đặc và tỏa hương nhẹ nhàng trong
khi chờ đợi thong thả. Tất cả công đoạn chỉ mất khoảng năm phút. Cà phê
đặc sánh này có thể uống ngay trực tiếp, hoặc pha thêm chừng 1/3 nước
sôi cho có độ nóng và giảm bớt cường độ đậm đặc của cà phê, tùy theo sở
thích mỗi người. Có khi người ta còn thêm vào một chút bơ tươi cho thêm
hương vị béo ngậy và cũng để giữ nhiệt được lâu hơn.
Cà phê phin là thứ đặc trưng của thân chủ thưởng ngoạn trong những
quán đặc sản của Việt Nam, hầu như không thấy trên toàn cầu vì khó khăn
phiền toái trong sự phục vụ nhưng đáp ứng đúng nhu cầu nghi thức, sinh
hoạt chậm rãi, thỏa mãn sự tĩnh tâm, lắng đọng, và ung dung trong giao
tiếp.
Còn hai loại cà phê nữa thường thấy ở Việt Nam, nhưng cũng đang dần
được ưa chuộng trên thế giới. Đó là cà phê sữa và cà phê đá. Cà phê sữa
Việt Nam sử dụng sữa đặc có đường, không giống các loại cà phê giải khát
pha sẵn. Cà phê sữa ở miền Bắc thường gọi là nâu vì màu đen đã đổi
thành màu ngà vàng ngả sang nâu nhạt.
Ở miền Nam, các quán cà phê của người Hoa gọi thứ này là pạc xỉu -
tức bạc tiểu: “bạc” là trắng, và “tiểu” là nhỏ, hàm nghĩa sữa là chính,
còn cà phê thì cho chút ít vào để át mùi hôi của sữa mà thôi. Cà phê đá,
thường uống với đá cục cũng thịnh hành ở Việt Nam vì khí hậu nhiệt đới
nóng bức quanh năm và nhiều người vừa muốn có hương vị của cà phê, vừa
có thêm nhu cầu giải khát. Sau này, với sự phân tán của người Việt đi
nhiều nước, cà phê đá cùng với trà đá đã làm quen với nhiều cộng đồng
các sắc dân khác toàn cầu.
Nguồn: Hiểu về cà phê - Bản quyền thuộc Trung Nguyên.