Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

CÀ PHÊ: KHÔNG CHỈ GIÚP THỨC TỈNH

Cùng với nhịp điệu phổ biến của cà phê trên toàn cầu để trở thành thức uống được ưa chuộng nhất, người ta càng phải quan tâm nghiên cứu xem những ảnh hưởng của nó trên sức khỏe của con người cũng như những tác dụng sinh học và hóa chất của nó.

Hạt cà phê có chứa những hóa chất được gọi là hướng tâm (psychotropics), đối với con người có nghĩa là có tác động lên tâm trí của chúng ta. Tính chất kích thích của cà phê là ở đó, và nó có hiệu lực hơn trà. Mỗi cốc cà phê trung bình chứa từ 75 đến 155 milligram chất kích thích này - mang tên caffein, trong khi một cốc trà cùng dung lượng chỉ chứa từ 28 đến 44 milligram - tức là mạnh gấp ba lần trà.


Chất caffein là một cơ chế tự vệ của cây cà phê để đối phó với các côn trùng và động vật có thể phá hoại nó. Người ta dùng cà phê thường nhất vào buổi sáng để kích hoạt sau giấc ngủ dài ban đêm, hoặc những lúc cảm thấy mỏi mệt. Mặt khác, học sinh, sinh viên và những người làm việc buổi tối thường dùng cà phê để giúp thức tỉnh. 

Công nhân viên chức tại phương Tây thường được nghỉ 10 phút sau hai giờ làm việc. Thời gian giải lao này được gọi là “coffee break”, tức nghỉ để uống cà phê để lấy lại sinh lực và làm việc có hiệu năng hơn.
Trong cà phê còn có một tác nhân hóa học khác không liên hệ tới chất caffein, cũng có tác dụng kích thích vì nó thúc đẩy cơ thể con người sản xuất ra hai loại hormon (kích thích tố nội tiết) cơ bản là cortisone và adrenalin. Tác nhân hóa học này chưa xác định được thành phần.



Đối với những người không muốn sự kích thích nhưng ưa chuộng hương vị của cà phê thì công nghệ ngày nay đã có cách tách ly chất caffein (decaffeinated coffee, rút gọn là decaf). Tiến trình này gọi là tiến trình rút nước kiểu Thụy Sĩ (the Swiss water process) trong đó hạt cà phê xanh được ngâm trong nước hoặc dùng những chất hòa tan như trichloroethylen hoặc phổ thông hơn là methylene chloride hay ethylacetate để rút chất caffein ra. Chất này sau đó được thêm vào thứ hạt nhỏ của cà phê hòa tan pha liền (instant coffee).

Về tác dụng y học của cà phê, người ta kể ra được nhiều lợi ích của nó đối với những chứng bệnh như Alzheimer ít phát triển hơn trong những người uống từ 3 đến 5 cốc cà phê mỗi ngày. Một nghiên cứu năm 2009 cũng cho thấy chứng loạn trí (dementia) cũng là rủi ro giảm bớt với dân thường dùng cà phê. Sỏi trong mật và trong bàng quang ít xảy ra với những người này, theo cuộc nghiên cứu của Trường Y tế công cộng Harvard, bệnh co giật Parkinson cũng nằm trong trường hợp này.

Về sự thi triển trí năng, nhiều người dùng cà phê giúp trí nhớ ngắn hạn (short-term memory) hoạt động tích cực hơn và gia tăng kết quả trắc nghiệm về thương số thông minh (Intelligent Quotient, gọi tắt là IQ). Những cuộc thí nghiệm về thời gian phản ứng, thời gian chọn lựa, ký ức về từ ngữ, lập luận về không gian thị giác cho thấy dân uống cà phê thường có kết quả tốt hơn trong tất cả mọi thử nghiệm và tương ứng tỷ lệ với lượng cà phê họ thường tiêu thụ.

Cà phê cũng có tác dụng chỉ thống khiến người dùng nó chịu được đau đớn, nhiều hơn, nhất là kèm với những thuốc trị đau đầu, thiên đầu thống (nhức nửa đầu, tức migraim).


Ngoài ra cà phê cũng giảm trừ bệnh đái tháo đường, bảo vệ gan, giảm thiểu ung thư miệng, yết hầu và vòm miệng nhờ có chất kháng ung thư lag methylpyridium. Trái với niềm tin thông thường, cà phê không lợi tiểu, ngừa sâu răng, giảm nguy cơ thấp khớp cho đàn ông trên 40 tuổi.

Nhưng cũng như các loại thức uống khác, cũng có vài điều cần lưu ý về cà phê. Cà phê nên tránh với những người bị đau dạ dày và sưng loét ruột già. Cà phê cũng không nên lạm dụng (hơn 5 cốc mỗi ngày) đối với những người nóng tính, mất ngủ và hay thấp thỏm lo âu. Người ta cũng lo ngại các tác động của cà phê tới trẻ khi người mẹ sử dụng đồ uống này trong quá trình mang thai tuy chưa có kết luận cụ thể. Cà phê lọc tốt hơn cà phê nấu vì lưu lại rất ít chất cafestol có thể làm tăng lượng cholesterol. 

Nguồn: Hiểu về Cà Phê. Bản quyền thuộc Trung Nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét