Tất cả những gì là tốt đẹp nhất trong cuộc sống đều phải trải qua tiến trình tồn tại, thích nghi trao đổi tuyển trạch, tích lũy, sàng lọc, trưng cất, thăng hoa và kết tinh.
Cà phê cũng thế. Đây là thứ cây chọn lựa mảnh đất tối ưu của nó là đất đỏ
basalt phun ra từ trái đất qua hàng trăm triệu năm trải sương gió mưa nắng tôi
luyện thành, có đủ mọi loại khoáng chất và hữu cơ để sản sinh. Cây cà phê cành lá xanh um tươi tốt quanh năm và tuổi thọ của sinh sản phồn
thực cũng kéo dài cả thế hệ là trên 30 năm. Trái cà phê lắc lỉu từng chùm chín đỏ từ những bông hoa trắng muốt và thơm
ngát quyến rũ muôn loài ong bướm. Trái này từ lúc tượng hình đến chín muồi cũng
phải mất chín tháng như bào thai của loài người trong tử cung của bà mẹ. Vì vậy
cà phê mỗi năm chỉ có một vụ mùa vào 3 tháng cuối năm.
Về hình thể, hạt cà phê thường có hai nhân nằm úp nhau tạo thành một khối
toàn cầu trong trái cà phê. Mỗi nhân trong hình bán cầu lại có khía thẳng ở
giữa giống như đồ hình thái cực, chỉ cả lưỡng nghi âm dương, rõ nét như hình
đối cánh bướm nõ nường phồn thực. Không lạ gì kể từ khi được khám phá đầu tiên,
cà phê đã được dùng trong những nghi thức ở Ethiopia cho việc giao lưu với tâm
linh và thần thánh.
Cà phê hội tụ tinh hoa của cả bốn nguyên tố nền tảng mà người xưa đặt làm cơ
sở của toàn thể vũ trụ: đất, nước, lửa, gió. Có cả tứ đại của thiên nhiên (đất
đỏ, nước mưa, lửa mặt trời, gió sương cao nguyên) và cả tứ đại của con người
chế biến và thưởng thức (hạt cà phê, nước cà phê, lửa rang và hương tỏa trong
không khí).
Uống cà phê là thưởng ngoạn cái tinh hoa của trời đất và con người. Khí hậu
mát mẻ của cao nguyên, đất đỏ trên cao nguyên hàng trăm triệu năm từ trước khi
có lịch sử, và công khó về bàn tay của trên 25 triệu người lao động vun xới cho
chúng ta thức uống kỳ diệu này.
Người Việt Nam chúng ta đã lựa chọn và yêu dấu riêng cách thức pha chế tinh
lọc: vài muỗng cà phê đã rang vừa độ và mới được đem xay để giữ nguyên hương vị
bỏ vào dụng cụ lọc, nước sôi thoạt tiên được rót xuống vừa đủ để cà phê nở và
ôm chặt cái lọc, sau đó nước sôi được trút thêm khoảng nửa cốc để chiết xuất
tinh túy từ trên xuống chảy qua màng lọc (gọi là filter/cà phê phin).
Dù trong quán hay tại gia đình, mỗi tấm lọc phục vụ riêng cho mỗi người tùy
theo sở thích đậm lạt, nóng nguội, của từng cá nhân.
Trong khi đó, ở hàng quán phương Tây, cũng như tại nhà, những máy pha chế cà
phê công nghiệp hoặc gia dụng đều làm theo quy trình tập thể, đồng loạt, và
không phân biệt thị hiếu từng người.
Chính trong thời gian ngồi chờ 5 phút, hoặc 3 phút cho cà phê chầm chậm thấm
qua màng lọc là thời gian ngưng hết mọi bồn chồn của cuộc sống để lòng thư
thái, chiêm nghiệm cuộc sống.
Câu thơ nổi tiếng nhất về cà phê của thi sĩ người Mỹ nhập tịch Anh quốc là
T.S.Eliot, tác giả thi tập Đất hoang (The Waste Land) đã cực tả được cái thẩm
thái của sự thưởng ngoạn cà phê này: “Tôi đong đời mình bằng những muỗng cà
phê”. Cả đời tất bật, cả ngày bận rộn nên những giây phút thư giãn trở về với tự
thân thật là quý báu và hiếm hoi với chúng ta.
Những tu sĩ trên quy luật chính thức đều có ấn định mỗi ngày đêm 24 giờ một
số thời khắc dành riêng cho việc tĩnh tâm, chiêm ngắm để suy nghiệm về cuộc
sống và tâm thức của mình và từ đó rút ra những bài học để sám hối, sửa mình,
là cái nghĩa đích thực của “tu hành” vì “tu” là “sửa” và “hành” là “làm”. “Tu
hành” là một tiến hành sửa sai suốt đời cho việc mở rộng tâm trí đến toàn thể
vạn vật chúng sinh.
Với những người không xuất gia, sống đời thế tục thì những giây phút tạm
ngưng bận rộn với việc thường ngày, chờ đợi và thưởng thức một cốc cà phê chính
là một sự hành đạo thế tục để đúc kết trải nghiệm mỗi ngày với tự thân, và
những tiếp xúc liên hệ, phát hiện những bất cập hoặc quá đáng trong ứng xử, và
phát huy những tiềm năng hầu như vô biên cho sự sáng tạo và ứng dụng vào thực
tế.
Ba vạn sáu ngàn cốc cà phê có thể tinh lọc cả kiếp người trăm năm vô giá!
Nguồn: Hiểu về cà phê. Bản quyền thuộc Trung Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét